Nói với VnExpress, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty may mặc Dony, nói nửa đầu năm, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng tích cực.
"Đơn hàng cực kỳ nhiều, ngoài sức tưởng tượng", ông nói, thêm rằng công ty đã từ chối 2-3 đơn đặt hàng giá tốt dù đã cho lao động tăng ca, công suất. Ông nhẩm tính, mới đầu tháng 7, số đơn hàng cho quý III đã kín, đơn quý IV cũng đang thương lượng. "Nếu không biến động lớn, khả năng mục tiêu cả năm nay về đích thành công", ông nói thêm.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may đã thoát cảnh "ăn đong". Theo ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đa phần các công ty may của tập đoàn đủ đơn hàng đến tháng 10 và đang đàm phán đơn cho những tháng tiếp theo. Toàn bộ lao động của họ vẫn duy trì lực lượng, thu nhập tương đương năm 2023.
Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn trong ngành cũng cho hay, gần đây nhận được hàng loạt đơn hàng của các đối tác lớn trên thế giới. Đây là điều hiếm gặp trong 2 năm vừa qua. Để đáp ứng, công nhân của họ được huy động tăng ca 5 ngày một tuần, mỗi ngày thêm 2-2,5 tiếng.
Thực tế, nhìn vào bức tranh chung, xuất khẩu nửa đầu năm đạt trên 190 tỷ USD, trong đó dệt may đóng góp hơn 16 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5% so với cùng kỳ, gấp 2-3 tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng hay tích lũy tài sản.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu tăng cao theo xu hướng phục hồi nhu cầu tiêu dùng thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng GDP quý II đạt 6,93%, tăng cao thứ hai nếu xét trong vòng 5 năm qua. Mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cũng tương tự, chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2022.
Sự phục hồi này cao hơn mọi dự báo trước đó của các tổ chức trong nước và quốc tế. Ngân hàng UOB gần đây chỉ cho rằng, tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam khoảng 6%. Thậm chí, ngay trước khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu chính thức, Tổ công tác Phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô (Tổ 1317) nhóm họp, dự báo đưa ra chỉ 6,2% cho quý II, còn 6 tháng là 6%.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lý giải nhu cầu tại các thị trường lớn đang được cải thiện, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã có đơn hàng mới, vì thế sản xuất nội địa được thúc đẩy và hoạt động xuất, nhập khẩu sôi động trở lại.
Ngoài xuất khẩu, khu vực dịch vụ tăng 6,64% với xu hướng phục hồi tích cực của du lịch, bán buôn, bán lẻ. Trong đó, bán lẻ có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận quý II tới 379% so với cùng kỳ, theo ước tính của Chứng khoán MB (MBS).
Doanh nghiệp bán lẻ như Thế Giới Di Động được dự báo đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 58% trong quý II và 53% cho cả năm. Lãi ròng quý II của nhà bán lẻ này được có thể đạt trên 130 tỷ, cao nhất 6 quý. Cả năm, họ có thể thu về khoảng 540 tỷ đồng lãi ròng, cao hơn mục tiêu lãi sau thuế 490 tỷ.
Nhiều ngành khác cũng có xu hướng tích cực. Sản xuất công nghiệp là ví dụ, giá trị tăng thêm toàn ngành 6 tháng là 7,54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%; xây dựng tăng 7,34%, cao nhất trong 5 năm.
Ngoài ra, đầu tư công tiếp tục được đẩy tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; FDI tăng trưởng tốt, giúp tăng năng lực, mở rộng sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động.
Tuy vậy, vẫn còn những gam màu chưa sáng rõ. Tăng trưởng đơn hàng xuất khẩu thiếu bền vững do nhu cầu quốc tế chưa khôi phục hoàn toàn. CEO của Dony nói đơn hàng nhiều nhưng chỉ dạng ngắn hạn, không phải câu chuyện ký kết hợp tác làm ăn lâu dài, tính bằng năm. "Đơn hàng tăng cao dịp này là do đối tác nước ngoài gần cạn tồn kho nên bổ sung gấp. Sau đó bán chạy hay không họ không chắc, nên không dám đặt dài hạn", ông Phạm Quang Anh kể.
Lãnh đạo doanh nghiệp lớn ngành dệt may cũng thừa nhận, sự khởi sắc xuất khẩu dệt may những tháng đầu năm không hẳn từ nhu cầu tiêu thụ của thế giới cải thiện, mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam.
Chưa kể, các doanh nghiệp cũng gặp thách thức về giá đơn hàng. Theo CEO Vinatex Cao Hữu Hiếu, ngành may còn gặp khó do năm 2022-2023, đơn giá dệt may xuống rất thấp, giảm 20-30%, thậm chí 50%. Do đó, hiện họ phải thương lượng lại với nhà mua để tăng giá lên trong bối cảnh các chi phí như lương cơ sở điều chỉnh từ 1/7.
"Đơn hàng đàm phán cho quý IV chủ yếu doanh nghiệp muốn nâng giá", ông Hiếu nói, thêm rằng chi phí logistics từ cuối năm ngoái liên tục tăng, xung đột biển đỏ khiến nhập bông bị trễ, bị kiểm tra hải quan cũng là những khó khăn của ngành.
Với doanh nghiệp của CEO Phạm Quang Anh, phần lớn lượng đặt hàng tới từ nhóm khách hàng cũ, đơn giá vẫn ở mức thấp và không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Còn khách hàng mới chào giá cao hơn khoảng 30%, nhưng Dony "không có cơ hội nhận nhiều đơn hàng từ nhóm này vì ưu tiên hợp tác dài hạn với các nhà mua lâu năm".
"Nhiều khách mới thường đặt gấp và ngắn hạn, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong sắp xếp năng lực sản xuất", ông Quang Anh chia sẻ.
Trong khi đó, tiêu dùng nội địa đã cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Bà Vũ Lan Chi, nhà sáng lập một công ty nhỏ về thời trang bán lẻ, cho biết so với năm ngoái, công ty của bà có doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, ngay cả dịp lễ Tết. Dẫn tới, tháng 7 này, họ phải đưa ra quyết định đóng cửa hoàn toàn thương hiệu.
"Người tiêu dùng giảm chi tiêu, chỉ mua sắm những gì thực sự cần thiết nên quần áo thời trang không ưu tiên", bà nói, dự đoán tình trạng này vẫn duy trì trong nửa cuối năm.
Theo số liệu thống kê, một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn như bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác hay tài chính, ngân hàng... đều có mức tăng thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2023.
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), cho biết phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn đầu ra. Nguyên nhân do nhu cầu thị trường trong nước thấp và mức độ cạnh tranh tiêu thụ cao. Đây là các yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, theo bà Nga.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), doanh nghiệp, người dân vẫn có tâm lý thắt chặt tiêu dùng, đầu tư do triển vọng kinh tế vẫn là ẩn số. Điều này phản ánh qua chỉ số tăng trưởng tín dụng thấp nhưng lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng.
"Khi người dân, doanh nghiệp đều phòng thủ thì vòng quay của hàng hóa, tiền tệ trên thị trường sẽ giảm xuống, doanh nghiệp rất khó bán được hàng", ông phân tích. Cùng với đó, sự phát triển của thương mại điện tử, hàng giá rẻ từ nước ngoài, không chỉ Trung Quốc ảnh hưởng lớn tới hàng nội địa.
Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước chiếm trên 70% GDP của nền kinh tế. Để kích cầu, Quốc hội đã quyết định tiếp tục giảm 2% thuế VAT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đến hết năm nay. Một số chuyên gia khuyến nghị nên kéo dài chính sách giảm thuế VAT đến hết năm 2025. Thậm chí, họ đề xuất giảm thuế VAT nên ở mức sâu hơn, để người dân thấy ý nghĩa và quyết định mua sắm nhiều hơn.
Bên cạnh yếu tố kích cầu, nội lực của nền kinh tế chưa mạnh cũng được giới chuyên môn lưu ý. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, sáng lập Nhóm tư vấn Think Future, điểm yếu cố hữu trong cơ cấu kinh tế Việt Nam là sự lệch pha giữa doanh nghiệp nội địa và FDI. Ông cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Trong xuất khẩu, khối FDI lại ở vị trí dẫn dắt với tỷ trọng 72%, tương đương 59% GDP.
Thực tế, xuất khẩu của khối FDI đa phần là những hàng hóa công nghiệp có giá trị cao như điện tử, điện thoại và máy móc thiết bị. Ngược lại, khối trong nước xuất đi chủ yếu là các mặt hàng có hàm lượng công nghệ thấp như nông, thủy sản, đồ gỗ và may mặc.
Cũng theo chuyên gia của Think Future, mức độ lan tỏa từ khối FDI sang doanh nghiệp nội địa không cao. Tỷ trọng giá trị nhập khẩu trên xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài liên tục duy trì ở mức trên 81% qua nhiều năm. Tức là, khối FDI mới dừng lại sử dụng những tư liệu sản xuất đơn giản của địa phương như lao động giá rẻ, đất đai và nguyên vật liệu cơ bản (điện, nước, nhiên liệu, dịch vụ logistics).
Theo ông Linh, doanh nghiệp là gốc của nền kinh tế. Bởi, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, tăng trưởng sẽ không thể cao. "Thiếu những trụ cột của doanh nghiệp nội địa thì chỉ cần một sự "đỏng đảnh" nào đó của doanh nghiệp FDI, kinh tế sẽ lập tức bị ảnh hưởng", ông bình luận.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng, nhưng tập trung chủ yếu ở phía kích cầu, không phải cung, tức hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân.
Chuyên gia Think Future góp ý chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần phải được ưu tiên, trong đó hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, bảo hộ có chọn lọc và chia sẻ nguồn tài nguyên từ phía doanh nghiệp nhà nước sang khối tư nhân. "Có như vậy, khối doanh nghiệp tư nhân mới có thể đẩy nhanh tốc độ tích lũy vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh", ông nhìn nhận.